Trang

Thứ Tư, 22 tháng 4, 2015

Kinh nghiệm sử dụng lốp không săm xe máy

Nếu chiếc xe máy của bạn đang sử dụng lốp không săm, bạn cần lưu ý một vài điểm dưới đây để giữ lốp được bền, và vận hành an toàn hơn.
Các xe máy thế hệ mới thường sử dụng lốp không săm. Ưu điểm của loại lốp này là giúp giảm trọng lượng xe, xe bám đường tốt hơn, an toàn hơn trong quá trình vận hành.

Khi xe của bạn được trang bị lốp không săm, nếu bị dính đinh hay vật nhọn đâm vào, lốp không xì hết toàn bộ hơi giúp người điều khiển xe đi thêm những đoạn đường nhất định trước khi đến nơi sửa chữa, thay lốp…
Tuy nhiên, không phải vì thế mà bạn cứ mua xe về đi, không cần quan tâm đến lốp. Người dùng vẫn cần lưu ý những điểm nhất định để giữ lốp được bền hơn.

1. Cẩn thận khi vá

Nhược điểm lớn nhất là khi bị dính đinh hay vật nhọn gây thủng lốp, xì hơi thì việc vá lốp không săm lại đòi hỏi thợ sửa chữa phải có chuyên môn cao, vì nếu không vá lốp đúng kỹ thuật làm cho vết thủng không thể kín hơi.

Vá rút chỉ là giải pháp tạm thời
Thông thường khi bị thủng lốp, các hiệu sửa xe tiến hành vá rút, cách này nhanh và chỉ là tạm thời, sau 1 thời gian ngắn chỗ vá sẽ bị hỏng.

2. Nên dùng phương pháp vá trong

Vá trong là cách tốt nhất đối với lốp không săm, người thợ sẽ tháo vỏ lốp bằng máy chuyên dụng, sau đó làm sạch bề mặt bên trong lòng lốp và dán miếng vá lên chỗ thủng, đây là cách làm tốt nhất được các nhà máy sản xuất lốp khuyến nghị.

3. Không nên dùng keo tự vá

Nhiều người cho rằng, nếu đổ keo tự vá vào lốp xe thì khi xe cán phải đinh, dung dịch keo sẽ tự bít lỗ thủng, tránh tình trạng lốp xe bị xì hơi đột ngột gây tai nạn. Tuy nhiên, do không biết hoặc hãng sản xuất không khuyến cáo cụ thể, nếu để dung dịch keo tự vá tồn tại lâu trong bánh xe sẽ dẫn đến tình trạng dung dịch keo tự vá ăn mòn vành và lốp xe như bị mục, rỗ và ôxy hóa.

4. Lưu ý vành xe

Khi sử dụng lốp không săm, bạn phải đặc biệt quan tâm đến vành xe. Đi mưa hoặc ngâm nước nhiều dễ dẫn đến bề mặt vành bị rỗ, bị ăn mòn hoặc sủi lên tại vị trí tiếp xúc với lốp, khi đó tác dụng làm kín hơi không còn nữa.

Vành bị ăn mòn tại vị trí tiếp xúc với lốp khiến tác dụng làm kín hơi không còn nữa
Nếu bạn thấy cứ bơm hơi căng vài ngày sau lại thấy lốp non dù không bị châm kim hay vật nhọn đâm vào thì đó là do vành xe bị ăn mòn.
Phương pháp tạm thời là đánh bóng vành, hay mạ lại nhưng cách tốt nhất là thay thế vành để đảm bảo áp suất hơi trong lốp luôn đủ.

5. Bơm lốp đúng áp suất

Việc bơm lốp đúng áp suất sẽ làm giảm nguy cơ bị thủng, giảm tiêu tốn xăng và an toàn khi lái xe trên đường.
Khi talon lốp (các hoa văn trên lốp) độ dày còn từ 1-3mm, các bạn nên thay lốp mới, việc sử dụng lốp không săm quá mòn làm xe vận hành tốn xăng hơn, không bám đường gấy nguy hiểm khi đi đường mưa, trơn, và nguy cơ nổ lốp rất cao nếu bạn đi đường dài.
Theo Autodaily

Thứ Ba, 21 tháng 4, 2015

Tìm hiểu ý nghĩa ký hiệu trên lốp xe máy

Nhiều người vẫn thường không mấy để ý đến các thông số được ghi trên lốp chiếc xe máy mà họ đang đi hằng ngày. Thực tế, hiểu được nó sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc chọn lốp thay hoặc biết được tốc độ tối đa cho phép cũng như khả năng chịu tải của lốp xe.
Có 2 cách ký hiệu các thông số trên lốp xe máy: Ký hiệu theo độ bẹt và ký hiệu theo thông số chính.
Ký hiệu theo độ bẹt
Ví dụ như thông số: 100/70 – 17 M/C 49P:
autodaily-lopxemay-(2).jpg
100: là bề rộng của lốp, tính bằng mm.
70: là % chiều cao của lốp so với bề rộng của lốp. Như vậy ở đây chiều cao của lốp là: 90%*70 = 63 mm
17: là đường kính danh nghĩa của vành và được tính bằng đơn vị inchs.
M/C: viết tắt của từ tiếng Anh MotorCycle
49: là kí hiệu của khả năng chịu tải (Số 49 ở đây không phải là lốp xe chịu tải được 49 kg. 49 là một chỉ số, tương ứng với chỉ số là số kg chịu tải, xem bảng chỉ số ở dưới).
Untitled-1-2.jpg
P: là kí hiệu của tốc độ tối đa cho phép. Theo quy ước, chữ P chỉ ra rằng lốp này có thể vận hành ở tốc độ tối đa 150 km/h. Tuy nhiên, thông số này không phải trên lốp nào cũng có do không bắt buộc. Phân loại tốc độ dành cho lốp xe thể hiện bằng các chữ cái, ví dụ như ký hiệu B tương ứng với tốc độ tối đa là 50km/h, J (100km/h), L (120km/h)... Bạn có thể tham khảo ở bảng dưới để biết lốp xe máy của mình chạy được tốc độ tối đa cho phép là bao nhiêu.

Thông thường, chỉ số về trọng tải và tốc độ được in cùng nhau, ngay sau thông số về kích thước. Chẳng hạn 49P cho biết lốp này chịu được trọng tải 185kg và nó được xếp ở tốc độ "P" (150km/h).
Ký hiệu theo thông số chính
Ví dụ như thông số: 4.60 – L – 18 4PR
autodaily-lopxemay-(1).jpg
4.60: là bề rộng ta lông của lốp.
L: là kí hiệu của tốc độ tối đa cho phép
18: là đường kính danh nghĩa của vành và được tính bằng đơn vị inchs,
4PR: là chỉ số mô tả số lớp bố và khả năng chịu tải của lốp.

Hà An (TTTĐ)

Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2015

Hơn 40 năm trước, đã có ôtô “made in VN”

Ra đời năm 1970, La Dalat là chiếc xe hơi dân dụng đầu tiên được lắp ráp, mang thương hiệu và sản xuất hàng loạt ở Việt Nam với mức độ nội địa hóa lên đến 40%.
Hơn 40 năm trước, đã có ôtô “made in VN”
Cách đây gần nửa thế kỷ, người dân ở miền Nam đã quen dùng các sản phẩm của Pháp từ thời đô hộ nên các loại xe ôtô thường là các loại xe xuất xứ từ châu Âu. Đến giữa thập niên 60 với việc nhập cảng ồ ạt các loại xe gắn máy 2 bánh: Honda, Suzuki, Yamaha thì xe ôtô Nhật bản cũng chen chân vào thị trường Việt Nam.

La Dalat – mẫu xe đầu tiên được sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam
Xe do Pháp chế tạo đã không còn sức thu hút người tiêu thụ ngoại trừ chiếc Citroën 2CV. Do đó, Hãng Citroën tại Việt Nam quyết định tung ra thị trường một loại xe thực dụng và rẻ tiền, loại xe mà các công ty sản xuất xe Nhật Bản không thể cạnh tranh được. Đó là chiếc La Dalat.
Trước đó, hãng xe Citroën đã thiết lập một cơ xưởng ở Đông Dương vào năm 1936, trụ sở lúc đầu đặt tại góc đường Lê Lợi – Nguyễn Huệ hiện nay đã trở thành Caféteria Rex ở Sài Gòn. Dưới thời chính quyền cũ được dời đi và đổi tên thành Công Ty Xe Hơi Citroën, sau là Công Ty Xe Hơi Saigon tại nơi bây giờ là Diamond Plaza (Tp.HCM).

Dựa trên mẫu mã của chiếc Méhari và chiếc Babybrousse rất thành công ở các thuộc địa cũ, Citroën nhập cảng vào Việt Nam những bộ phận chính như động cơ, tay lái, giảm xóc, phanh… Còn lại như đèn, còi, ghế nệm, dàn đồng đóng bằng tôn, mui xe… được chế tạo tại Việt Nam.
Lúc tung ra thị trường vào năm 1970, tỷ lệ cơ phận nhập cảng và cơ phận nội địa là 75/25, đến năm cuối cùng khi hãng Citroën đóng cửa vào năm 1975 là 60/40. Có tất cả là 4 kiểu La Dalat: loại 4 chỗ ngồi hoặc 2 chỗ ngồi với thùng chở hàng.
Loại xe bền bỉ và tiết kiệm nhiên liệu
Sau Chiến tranh thế giới II, để đáp ứng nhu cầu về phương tiện di chuyển của dân Pháp đương thời, hãng chế tạo xe Citroën đã tung ra thị trường chiếc xe 2CV. Từ dạng chiếc xe này, Citroën đã thành công trong việc sản xuất một chiếc xe rẻ tiền, bền bỉ, bảo trì và sửa chữa dễ dàng, thực dụng cho dân chúng thời hậu chiến. Tiếp đến là loại xe Citroën Dyane 6 và Méhari sản xuất cuối thập niên 50 và đầu thập niên 60.
La Dalat trên đường phố Sài Gòn 
Xe Citroën La Dalat sản xuất ở Việt Nam là loại xe dựa trên kiểu Citroën Méhari, nằm trong kế hoạch hợp tác kỹ thuật của Citroën về cơ khí ôtô và những quốc gia có ý định sản xuất phương tiện giao thông nội địa, còn được Citroën gọi là kế hoạch hợp tác FAF (Facile À Fabriquer, Facile À Financer = Dễ sản xuất, Dễ trả tiền).
La DaLat sử dụng động cơ 4 thì, 602 phân khối, 31 mã lực, 2 xi-lanh đối ở 2 đầu nằm dẹp (flat twin), hộp số gồm 4 số tay, truyền động ở trục bánh trước. Xe có kích thước dài x rộng x cao lần lượt là 4.003 mm x 1.530 mm x 1.540 mm. Mẫu xe đầu tiên lắp ráp tại Việt Nam có trọng lượng khoảng từ 480 đến 590 kg (tùy theo kiểu), kiểu xe thùng nặng 770 kg.
Mẫu xe 'nội' đầu tiên ở Việt Nam ra đời khi nào?
Xe La Dalat đánh đúng vào nhu cầu của dân lao động Việt Nam: ít tốn xăng, dể sửa chửa, dễ thay thế. Đặc biệt, một số bộ phận như cánh cửa, kính xe, thùng xe… đều có thể “tự chế”. Các bộ phận rời được bán với giá phải chăng vì được chế tạo tại Việt Nam.
Ngày nay, khi rất nhiều các hãng xe đã xây dựng nhà máy tại Việt Nam, ít ai biết rằng, La Dalat lại chính là mẫu xe đầu tiên được sản xuất và lắp ráp tại đây.
Theo TTTĐ/Autodaily

Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2015

Hướng dẫn tự thay lốp dự phòng cho lái mới

Trong các chuyến đi xa, sẽ rất phiền toái nếu xe bất ngờ bị xẹp hơi mà bạn lại không biết cách thay lốp dự phòng. Nhưng thực tế, chỉ bằng vài thao tác đơn giản, bạn có thể vượt qua tình huống trớ trêu này.

1. Tìm nơi bằng phẳng, an toàn để thay lốp
Bạn cần một bề mặt chắc chắn, bằng phẳng nhằm hạn chế xe lăn bánh khi đang thay lốp. Cố gắng đỗ xe tránh xa đường giao thông và bật đèn khẩn cấp. Tránh nền đất mềm và dốc.

2. Kéo phanh tay và chuyển cần số về P
xe-11-7033-1411977658.jpg
Nếu là xe số sàn, về số 1 hoặc cài số lùi.
3. Chặn cả lốp trước và sau bằng vật nặng
xe-12-5980-1411977659.jpg
Dùng đá, bê tông hay thậm chí là lốp dự phòng để chặn cho cả lốp trước và sau.
4. Lấy lốp dự phòng và kích xe
xe-13-7130-1411977659.jpg
Đặt kích dưới gầm xe phía gần lốp cần thay. Đảm bảo để kích tiếp xúc với phần kim loại của bộ khung. Nhiều xe có các bộ phận bằng nhựa đúc phía dưới xe. Nếu không đặt kích đúng chỗ sẽ làm vỡ nhựa khi bắt đầu nâng xe lên. Nếu không chắc chắn, hãy đọc hướng dẫn sử dụng.
Với phần lớn gầm xe hiện đại, có một khấc nhỏ hoặc chỗ đánh dấu nằm phía sau bánh trước hoặc phía trước bánh sau để đặt kích vào đó. Còn phần lớn xe tải hoặc xe đời cũ, tìm nơi đặt kích ở một trong những dầm của khung, ngay phía sau bánh trước hoặc phía trước bánh sau.
5. Nâng kích tới khi thiết bị này trở thành một chiếc trụ
xe-14-8774-1411977659.jpg
Kích nên đứng chắc tại chỗ. Kiểm tra để đảm bảo kích đứng vuông góc với mặt đất.
6. Tháo nắp chụp trục bánh xe và nới các ốc bằng cách quay ngược chiều kim đồng hồ
Tháo nắp chụp trục bánh xe: dùng đầu nhọn tua-vít nẩy nhẹ (có thể dùng vải chùm đầu tua-vít để trách làm xước vành nắp).Nếu tấm che này có ốc giữa hãy tháo rời chúng trước khi dùng tay giật mạnh



Tháo nắp chụp trục bánh xe

xe-15-2225-1411977659.jpg
Đừng tháo rời tất cả, chỉ cần phá bỏ lực cản. Bằng cách giữ bánh xe tiếp xúc với mặt đất khi nới những chiếc ốc đầu tiên, bạn sẽ thực sự xoay ốc thay vì xoay bánh xe.
Sử dụng cờ-lê trong bộ dụng cụ đi theo xe hoặc một chiếc chữ thập tiêu chuẩn. Cờ-lê có thể có nhiều kích cỡ khác nhau để mở những đầu nút khác nhau. Một chiếc cờ-lê đúng cỡ sẽ giúp tháo ốc dễ hơn.
Việc này có thể tốn sức nên có thể phải dùng tới trọng lượng cơ thể hoặc phải dậm chân lên cờ-lê. Phải đảm bảo xoay đúng chiều. 
* Lưu ý, nên tháo từng bu-lông theo hình sao hoặc chữ X. Trước tiên, tháo một bu-lông bất kỳ, tiếp theo là tháo chiếc ở phía đối diện, cứ thế tiến hành cho tới khi hết bu-lông.
Thông thường bạn chỉ cần một nửa hoặc 2/3 vòng để ốc lỏng ra. Chú ý không thảo rời ngay các ốc để giữ bánh ở tư thế thẳng đứng, tránh làm xước vành, hoặc quá tải cho một số bu-lông.


7. Nâng kích để nhấc bánh xe khỏi mặt đất
xe-16-3655-1411977659.jpg
Phải nâng đủ cao để có thể tháo lốp xẹp và thay bằng lốp dự phòng. Khi nâng kích, đảm bảo xe vẫn đứng chắc. Nếu nhận ra bất cứ sự mất ổn định nào, hãy hạ thấp kích và xử lý rắc rối trước khi tiếp tục nâng xe lên. Nếu thấy kích bị lệch góc hoặc nghiêng, hạ thấp và đặt lại.
8. Tháo nốt các ốc
xe-17-2389-1411977659.jpg
Xoay ngược chiều kim đồng hồ cho đến khi các ốc được nới lỏng hoàn toàn. Lặp lại với tất cả các đai ốc, sau đó tháo rời hoàn toàn.
9. Tháo bánh​
xe-18-3325-1411977659.jpg
Đặt chiếc lốp xẹp phía dưới xe đề phòng trường hợp kích bị hỏng, xe sụp xuống đất. Bánh xe cũng có thể bị kẹt do kim loại bị gỉ. Bạn có thể phải thúc từ phía trong bằng một chiếc búa cao su hoặc tác động từ phía ngoài để tháo được bánh xe.
10. Lắp bánh dự phòng vào trục
xe-19-4035-1411977659.jpg
Chú ý canh cho thẳng vành xe với bu-lông bánh xe, sau đó lắp đai ốc.
11. Vặn chặt ốc bằng tay
xe-20-6035-1411977659.jpg
Sau đó dùng cờ-lê, vặn chặt nhất có thể. Để đảm bảo lốp xe cân bằng, đừng thắt chặt hoàn toàn một ốc mỗi lần. Vặn dần lần lượt để các ốc chặt như nhau. Tránh dùng quá nhiều lực vì có thể làm đổ kích. Có thể vặn chặt tiếp khi đã hạ xe xuống đất để tránh trường hợp bị đổ.
12. Hạ thấp xe nhưng không hạ hết
xe-21-7476-1411977659.jpg
Chưa đặt hết trọng lượng xe lên bánh xe vì bạn còn phải tiếp tục vặn chặt các ốc hết mức.
Cách nhận biết đủ lực là khi bạn nghe thấy tiếng kêu “tạch tạch” trên thân bu-lông là được.
Nâng kích và xoay thử bánh xe vài vòng để kiểm tra thao tác lắp có gì sai sót không. Nếu bánh xe quay êm và bon là được.

13. Hạ xe hoàn toàn và tháo kích
xe-22-3168-1411977659.jpg
Kết thúc việc vặn chặt ốc và lắp nắp chụp trục bánh xe.
Nổ máy cho xe chạy thử và để ý xem xe có phát ra tiếng ồn hay rung lắc lạ hay không. Nếu cảm thấy không an tâm thì sau đó bạn nên mang đến trạm sửa chữa để kiểm tra lại.

Lời khuyên:
- Nếu có điều kiện bạn nên lắp thêm thiết bị hiển thị áp suất lốp thì có thể biết sớm lốp nào đang mất hơi mà không phải dừng lại xem xét.
- Kiểm tra bộ đồ nghề và lốp dự phòng 1 tháng/ 1 lần và đặc biệt trước khi đi xa.
- Khi thay lốp ở trên đường lớn, nên để ý xung quanh, đề phòng khi có tiếng xe đi tới. Nếu bạn đặt biển báo nguy hiểm thì nên để cách vị trí đỗ xe khoảng 10-15m hoặc tìm đồ vật nào thay thế để cảnh báo sự cố cho phương tiện khác biết.
 
- Ở một số xe hiện đại, bánh xe dự phòng được chế tạo theo quy cách khác so với lốp chính. Do vậy, bạn nên mang lốp xe bị hết hơi tới trạm bảo hành và sửa lại để lắp về chỗ cũ. Vì lốp hỏng có cùng độ mòn với 3 lốp còn lại trên xe, nên sử dụng tiếp để giúp cho việc thay từng cặp bánh sau này được đồng bộ.

Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2015

Chủ tịch Vinaxuki:'Có dại dột mới đi sản xuất ô tô made-in-Vietnam'

Cận cảnh chiếc ô tô con “Made in VietNam” đầu tiên

Để hiện thực giấc mơ sản xuất chiếc ô tô cá nhân “Made in VietNam”, từ năm 2009, Cty Cổ phần Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) đã đầu tư hơn 250 tỷ đồng để nghiên cứu và chế tạo ô tô cá nhân loại 4 và 7 chỗ và một số mẫu xe tải. Trong đó, dòng xe con có tỷ lệ nội địa hóa khoảng 50%, dòng xe tải nội địa hóa khoảng 40%.
Tuy nhiên, từ năm 2010 kinh tế rơi vào khủng hoảng, các ngân hàng xiết chặt cho vay, lãi suất tăng phi mã khiến Vinaxuki thua lỗ, và tới năm 2012 hoạt động của công ty phải tạm dừng. Thiếu tiền, giấc mơ chiếc xe cá nhân Việt đành dở dang, chưa biết tới khi nào nó mới có thể đưa ra thị trường.
 
Chiếc ô tô mẫu loại 4 chỗ do Vinaxuki sản xuất, với tỷ lệ nội địa hóa đạt khoảng 50%. Nếu xuất xưởng, giá xe dự kiến là 350 triệu đồng với bản số sàn, và 390 triệu đồng với bản số tự động.
Tuy nhiên, do khó khăn về vốn nên việc sản xuất bị gián đoạn từ năm 2012, chiếc xe cũng chưa thể hoàn thiện với nhiều bộ phận, phụ kiện chưa được lắp đặt. Ụ đèn dưới được dùng miếng xốp trắng dán để đảm bảo mỹ quan.
Cụm đèn sau. Được biết, để cho ra đời mẫu thiết kế chiếc xe này Vinaxuki đã thuê 10 chuyên gia Nhật Bản sang ăn, ngủ ngay tại nhà máy trong 4 năm liên tục.
Đuôi xe được thiết kế dáng vòng cung kiểu xe Mazda của Nhật Bản.

Lốp xe được nhập khẩu từ Nhật Bản.

Chiếc xe được trang bị động cơ 1.5L của hãng Mitsubishi (Nhật Bản), chỉ tốn 6 lít xăng/100km, bình xăng dung tích 45 lít. Gầm cao phù hợp cho địa hình miền núi, nông thôn.

Chiếc xe thiết kế 4 chỗ nhưng mới được lắp 2 ghế trước, 2 ghế sau vẫn để trống, vì thiếu vốn nên Vinaxuki chưa thể nhập ghế và các nội thất khác về hoàn thiện.
Để hoàn thiện toàn bộ nội thất xe và các bộ phận còn thiếu cần thêm khoảng 20 tỷ đồng nhập máy móc và linh phụ kiện, khoảng 50 tỷ đồng làm vốn lưu động cho công ty.

Ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinaxuki nâng niu “đứa con: cưng, giấc mơ suốt đời của ông.
Nội thất xe chủ yếu được đặt hàng sản xuất tại Đài Loan.
Những khoảng trống chờ sẵn để khi có thiết bị nhập về chỉ cần lắp vào là thành chiếc xe hoàn chỉnh.
Chiếc xe được ông Huyên đặt tên là VG, viết tắt của từ "Việt Nam Graceful" (Duyên dáng Việt Nam).
Toàn bộ khung và vỏ chiếc xe VG do Vinaxuki sản xuất. Hiện 200 chiếc vỏ xe đã ra lò thành hình hài, đã có khách đặt mua, nhưng thiếu vốn nên phải dừng sản xuất từ năm 2012 tới nay.

Ngoài mẫu xe 4 chỗ, Vinaxuki còn có ý định sản xuất cả chiếc xe 9 chỗ. Đây là 2 mô hình xe được Vinaxuki dự kiến sản xuất, chúng được đặt trang trọng ngay giữa sảnh tòa nhà điều hành.

 
Cũng vì hiện thực giấc mơ sản xuất ô tô "Made in VietNam" đã đẩy Vinaxuki vào tình hình khó khăn, thua lỗ, ngân hàng đóng băng các khoản vay, khiến Vinaxuki phải tạm dừng hoạt động toàn bộ các nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô từ năm 2012 tới nay.
Để không lãng phí cỏ tự nhiên trong khuôn viên nhà máy trong lúc dừng sản xuất, ông Huyên mua dê, bò, lợn, gà về thả để có nguồn thịt sạch.

Chủ tịch Vinaxuki:'Có dại dột mới đi sản xuất ô tô made-in-Vietnam'


"Buổi trưa tôi ăn cơm với các anh em công nhân cán bộ, chiều làm mẩu bánh mì với chút rau cỏ là xong. Cá, bò, lợn, dê tôi nuôi lấy. Nhưng tôi chỉ mong có tiền để làm ra cái xe do chính tay người Việt Nam sản xuất" - ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki).

Từ một doanh nghiệp đi đầu trong đẩy mạnh nội địa hóa, đến nay Vinaxuki lại rơi vào tình cảnh "sống dở chết dở". Bản thân doanh nghiệp này đang phải ôm khoản nợ lên đến 1.200 tỷ, trong khi nhà máy buộc phải ngừng hoạt động đã 3 năm nay vì không tìm đâu ra vốn để hoạt động.
Mẫu xe du lịch VG-150 nội địa hóa 50% của VinaxukiMẫu xe du lịch VG-150 nội địa hóa 50% của Vinaxuki suốt 3 năm qua vẫn chỉ là mô hình
Suốt 3 năm qua, để trả lương cho người lao động, Vinaxuki đã phải bán hơn 5.000 tấn sắt vụn và máy móc cũ. Doanh nghiệp cũng buộc phải cắt giảm lao động từ 1.160 xuống còn hơn 200 người, trong đó có nhiều lao động tay nghề cao, được đào tạo bài bản.

Điều gì đã khiến một doanh nghiệp được coi là hình mẫu phát triển cho ngành công nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam, lại lâm vào "thảm cảnh" như vậy? Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng ông Bùi Ngọc Huyên.

Thưa ông, sau 20 năm hình thành và phát triển, ông đánh giá như thế nào về nền công nghiệp ô tô Việt Nam?

Ông Bùi Ngọc Huyên: Bằng nhiều năm phân tích, suy nghĩ, so sánh với nước ngoài, tôi kết luận công nghiệp ô tô Việt Nam không thành công. Tôi không nói thất bại mà là không thành công, chủ yếu do chính sách thuế và chính sách vốn.

Hai chính sách đó làm "chết" công nghiệp ô tô, mà không chỉ công nghiệp ô tô mà còn nhiều ngành công nghiệp khác.

Ông có thể nói cụ thể hơn?

Có một điều thế này, tôi đã nhiều lần được Bộ Công thương mời tham gia hội thảo, những vấn đề liên quan đến chính sách. Nhưng tôi thấy chúng ta không có cái gì là thống nhất cả.

Ví dụ, Bộ Công thương thì nói rằng học tập kinh nghiệm của các nước nếu Việt Nam muốn có nền công nghiệp ô tô. Chính phủ phải hỗ trợ các doanh nghiệp ban đầu, giống như Chính phủ đang hỗ trợ nông dân nuôi bò sữa, hỗ trợ nông dân trồng cây cao su...

Riêng ô tô, gần như Bộ công thương đề nghị rất nhiều, nào là giảm thuế, nào là hỗ trợ vốn với lãi suất bằng 0, nào là tạo điều kiện để có công nghệ này công nghệ kia. Bộ Khoa học công nghệ cũng đưa ra rất nhiều chính sách đề nghị, Bộ muốn nền công nghiệp ô tô được ứng dụng những công nghệ hiện đại, tiên tiến nhất. Nhưng tất cả sang Bộ tài chính gần như bị "tắc" hết.

Nhiệm vụ của Bộ tài chính là thu, cụ thể là thu thuế. Ô tô thì thu được rất nhiều thuế. Một cái xe hơi giá 1 tỷ đồng thì trong đấy phải 400 đến 450 triệu là tiền thuế rồi. Thế sao Bộ tài chính lại luôn "kêu" rằng không có tiền? Không có tiền vì nhiều lí do khác. Do những khủng hoảng về tài chính, do những thất thoát, do rất nhiều nguyên nhân, nên ngân sách không đủ tiền để hỗ trợ công nghiệp ô tô.

Như các nước khác thì rất đơn giản. Muốn hỗ trợ nền công nghiệp ô tô, người ta chỉ cần trích ra khoảng 10% số thuế thu được của ngành ô tô là xong. Việt Nam thì không cần đến 10%, chúng ta chỉ cần trích 5% số thuế thu được trong quá trình doanh nghiệp ô tô đã nộp lên thì cũng đủ tiền hỗ trợ.

Là người trong cuộc và là chủ một doanh nghiệp sản xuất ô tô nội địa, ông mong muốn một chính sách ưu đãi như thế nào?

Chính sách ưu đãi tức là xe nội địa hóa trong nước thì cần được hạ các loại thuế xuống, để ta có giá bán cạnh tranh. Ví dụ như xe của tôi, chúng tôi có thể lắp động cơ, lắp bộ phụ tùng ngang dòng xe tầm trung. Loại xe này nước ngoài đang bán từ 550-600 triệu VNĐ, nhưng tôi là doanh nghiệp Việt Nam tôi không thể bán với giá đấy.

Tôi chỉ bán khoảng 350 triệu VNĐ thì người tiêu dùng mới mua. Xe mới ra chưa biết thương hiệu thế nào người ta không dám mua, nhưng nếu bán rẻ thì người tiêu dùng có thể chấp nhận được. Trong 100 người Việt Nam, tôi tin đến 60-70 người muốn sử dụng hàng trong nước.

Nhưng nếu không có chính sách hỗ trợ thì hàng trong nước chết ngay. Nước nào người ta cũng hỗ trợ, không riêng gì Việt Nam. Cái gì mới ra đời, không được "nuôi" là "chết", hỗ trợ không phải cho tôi mà chính là cho người tiêu dùng. Đáng lẽ cái xe có giá 550 triệu, người tiêu dùng chỉ phải mua 350 triệu thôi.

Nhiều doanh nghiệp khác cứ đi lắp ráp, có lãi thì mua vàng, đất đai v.v… tôi thì nuôi nội địa hóa. Tôi có suy nghĩ khác họ.

Vậy còn vấn đề của chính sách vốn là gì thưa ông?

Chính sách vốn là do ngân hàng. Năm 2014, thị trường ô tô tăng trưởng đến 43%, ngân hàng nói rằng thừa rất nhiều tiền, nhưng ai vay được vốn? Toàn bộ là doanh nghiệp lắp ráp với nhập xe nguyên chiếc, họ được vay thoải mái. Thậm chí có doanh nghiệp còn không trang bị công nghệ, chẳng có gì cả, gần như không đủ tiêu chuẩn làm ô tô. Nhưng họ có thể vay được 500-700 tỷ đồng để nhập phụ tùng hoàn chỉnh, thậm chí xe sơn rồi, về Việt Nam lắp lại, hoặc nhập xe nguyên chiếc về bán.

Còn những doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao để sản xuất nội địa hóa thì chẳng được gì cả. Tài sản của tôi vẫn đủ để thế chấp, ngân hàng cũng thừa nhận tôi có tài sản để thế chấp nhưng họ bảo tôi không vay được vì tôi nội địa hóa, như thế là không khả thi, phiêu lưu, chưa ổn định.

Có lẽ nguồn vốn là vấn đề gây khó khăn nhất cho Vinaxuki trong những năm vừa qua?

3 năm nay tôi đi xin họ, "lạy" họ rồi, nhưng họ đều trả lời là Vinaxuki đầu tư công nghệ cao thì phải vay vốn Chính phủ, Chính phủ chỉ định Ngân hàng phát triển cho tôi vay, nhưng Ngân hàng phát triển lại bảo rằng: dự án tôi làm là vay vốn các ngân hàng thương mại, nên có dự án mới họ mới cho vay, dự án cũ thì không cho vay được. Tôi bây giờ sợ chết khiếp các ông làm dự án mới rồi.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư, ông Bùi Quang Vinh từng nói rằng: "Vì mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cũng có nhiều doanh nghiệp chết oan", và tôi cũng là một trong những doanh nghiệp đó. Đầu tư công nghiệp như thế mà 3 năm nay tôi phải để máy chết yên một chỗ, còn những người họ chỉ làm thủ công thôi thì vay vốn, tiêu thụ ra nước ngoài thoải mái.

Ngân hàng cho tôi vay 150 tỷ đồng, cái nhà máy tôi xây hết 450 tỷ. Khi ngân hàng mới tài trợ tôi 50 tỷ còn 100 tỷ họ cắt luôn. Thế là nhà máy của tôi "chết". Giả sử nhà máy tôi nội địa hóa 30% thì ít nhất cũng có lợi cho đất nước 30%, tôi tạo việc làm cho công nhân làm lốp, thùng xe v.v…

Tiếp tục câu chuyện về công nghiệp hỗ trợ, ông có thể phân tích rõ thêm thực trạng của công nghiệp hỗ trợ nước ta hiện nay?

Nói về công nghiệp hỗ trợ thì phải dẫn chứng từ xe máy. Hồi trước, xe Dream nhập khẩu từ Thái Lan về, có lúc giá lên đến 2.600 USD, nhưng sau đấy thì nội địa hóa trong nước thì Dream hạ xuống 1.000 USD. Tại sao? Khi Honda vào đây đầu tiên họ nhập nguyên chiếc về bán hoặc nhập phụ tùng về lắp. Nhưng bây giờ xe máy có thể nội địa hóa ở Việt Nam đến 60-70% rồi, thì giá xe máy phải hạ xuống.

Nền công nghiệp ô tô cũng tương tự, để hạ được giá bán thì giá thành phải hạ, muốn hạ giá thành phải sản xuất phụ tùng trong nước. Bộ Công thương tìm mọi cách sản xuất phụ tùng trong nước, nhưng theo lời một lãnh đạo của trung tâm sản xuất phụ tùng hỗ trợ, có nói với tôi là “cuối cùng chẳng ra cái gì”. Thí dụ, chính sách đưa ra để hỗ trợ doanh nghiệp, thế mà hàng chục năm nay trong ngành sản xuất hàng hỗ trợ có mỗi một doanh nghiệp ở Tp.HCM là được vay vốn và chính sách ưu đãi.

Sản xuất phụ tùng ai cũng biết là quan trọng, nhưng không có cái gì tự nhiên nó có cả. Để dân làm được thì nhà nước phải cho vay vốn, và quan trọng là phải dài hạn. Giống như các tập đoàn ô tô Hàn Quốc, trước đây họ được cho vay thời hạn tới 30 năm mà lãi suất có thể bằng 0.

Tôi vay 200 tỷ đồng, thời hạn 2-3 năm, mới có 1 năm rưỡi họ đã cắt, họ dựa vào nghị quyết 11 của Chính phủ là ổn định chính sách vĩ mô. Vậy nên tôi đang đầu tư dở từ năm 2013 đến giờ chẳng được vay vốn, các vốn khác đều là vốn vay từ ngân hàng.

Sản xuất ra trong những năm 2010-2012, gần như chỉ đủ trả lãi vay và nộp thuế. Đến nay doanh nghiệp của tôi đang ôm khoản lỗ hơn 1.000 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ như thế, thành ra chẳng ai đầu tư sản xuất hàng hỗ trợ, mà chỉ có tôi "đâm đầu" vào.

Người ta bảo tôi dại dột, nhưng "có chết" tôi vẫn không từ bỏ.

Còn về 'Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035' thì sao, ông đánh giá thế nào?

Theo tôi, chiến lược này không phải là sai hoàn toàn. Chiến lược có thể nói đúng đến khoảng 60-70% nhưng chính sách kèm theo lại không chuẩn hoặc chưa có.

Chiến lược Thủ tướng ký tháng 7/2014 nhưng đến giờ, chính sách về chiến lược ấy lại chưa xong, chưa duyệt. Trong một trận đánh, Bộ Tổng tham mưu có thể đề ra một chiến lược, nhưng chiến lược ấy không cụ thể, không rõ ràng, bài bản, thì quân lính sao thực hiện được?

Chiến lược ô tô cũng thế thôi, chiến lược có rồi, vạch ra từ cách đây 15 năm tôi không nghĩ là sai, nhưng mà chính sách lại ngược lại với chiến lược.

Theo ông, đến năm 2018 người tiêu dùng có cơ hội được mua xe giá rẻ không?

Nếu 2018, thuế nhập khẩu xuống 0%, điều này chỉ có lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, còn người tiêu dùng Việt Nam chưa chắc đã được lợi.

Bởi vì để cân bằng ngân sách, thì Bộ Tài chính sẽ nghĩ cách phải tăng thêm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) lên. Vì thuế TTĐB chẳng ai cấm tăng cả, WTO không cấm. Thế nên người tiêu dùng đừng nghĩ là chờ đến 2018, thuế nhập khẩu ô tô hạ đi sẽ được mua xe giá rẻ.

Như vấn đề xăng dầu bây giờ, nếu thuế nhập khẩu hạ đi thì người ta tăng thuế gì? Thuế môi trường, từ 100% lên 300%. Người ta còn tăng nhiều thứ khác nữa chứ.

Quay trở lại với khó khăn hiện tại của Vinaxuki, ông đã tìm ra giải pháp nào để gỡ khó cho doanh nghiệp chưa?

Một vài đối tác nước ngoài đồng ý bán chịu cho tôi phụ tùng ô tô 9 tháng mới trả nhưng tôi cần bán đất, bán bớt nhà máy để trả nợ ngân hàng và lấy vốn để nộp thuế. Một chiếc ô tô nhập khẩu phụ tùng về đến Hải Phòng phải có tiền nộp thuế ngay mới được.

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng đang bày tỏ sự quan tâm và muốn mua lại cổ phần của Vinaxuki. Nếu tìm được đối tác phù hợp, tôi dự định sẽ bán 50% cổ phần. Tài sản của Vinaxuki hiện giờ kiểm toán có giá trị 3.200 tỷ, nếu bán một nửa cổ phần tôi sẽ có đủ tiền để trả hết nợ ngân hàng. Phần tiền còn lại, tôi sẽ tập trung đầu tư để nhà máy có thể hoạt động trở lại.

Sau đợt khó khăn, những doanh nghiệp bị ngân hàng bao vây sẽ là những người khôn nhất.

Thứ Năm, 16 tháng 4, 2015

Chia sẻ các bước kiểm tra tình trạng xe ô tô trước mỗi chuyến đi xa


Khi sở hữu một chiếc xe, việc kiểm tra tình trạng xe một cách thường xuyên là rất cần thiết, nó giúp chúng ta có thể yên tâm về khả năng hoạt động ổn định của chiếc xe khi sử dụng hằng ngày cũng như mỗi lúc đi xa nhà. Qua bài viết này, mình muốn chia sẻ với các bạn những điều cơ bản nhất trong việc kiểm tra tình trạng của chiếc xế yêu của chúng ta. Từ đó, các bạn có thể hiểu hơn về chiếc xe của mình và có cách sử dụng chúng một cách hiệu quả nhất. Dưới đây là những bước cơ bản cần làm để có thể biết được tình trạng chung của chiếc xe.



1. Kiểm tra lốp xe

Lốp xe là một bộ phận quan trọng hàng đầu vì nó chính là điểm cuối cùng tiếp nhận sức mạnh do động cơ sản sinh ra. Chiếc xe có vận hành ổn định, êm ái và an toàn hay không là do sự ảnh hưởng rất lớn từ 4 chiếc bánh xe của chúng ta. Do đó, việc kiểm tra lốp xe là thứ đầu tiên các bạn nên quan tâm đến. Trước hết, chúng ta sẽ kiểm tra độ mòn của cả 4 lốp xe. Nếu một trong số chúng có độ mòn vượt quá quy định thì chiếc xe sẽ rất dễ gặp sự cố do mất độ bám đường hoặc bị nổ lốp do cán phải vật sắc nhọn. Thông thường, tuổi thọ tối đa của hầu hết các loại lốp phổ biến trên thị trường hiện nay là vào khoảng 40-50.000 Km, tùy hãng sản xuất. Chúng ta nên thay lốp đúng loại và đúng thời điểm "nghỉ hưu" của các bánh xe để đảm bảo độ an toàn cao nhất khi vận hành, nhất là vào những chuyến đi dài ngày.
Tiếp theo, chúng ta sẽ kiểm tra áp suất của cả 4 chiếc lốp trên xe. Lốp quá căng hay quá non đều ảnh hưởng nhiều đến khả năng vận hành, độ bám đường và mức tiêu hao nhiên liệu của chiếc xe. Các bạn có thể kiểm tra bằng... mắt hoặc nếu muốn chính xác thì nên sắm một chiếc đồng hồ đo áp suất lốp cắm trực tiếp vào vòi bơm của bánh xe hoặc nếu muốn tiện lợi và "công nghệ" hơn thì lắp hẳn một bộ cảm biến áp suất lốp có bán rất nhiều trên thị trường đồ chơi ô tô. Đối với các mẫu xe hạng sang cao cấp thì chúng đã có sẳn bộ cảm biến cảnh báo áp suất lốp được tích hợp sẳn vào hệ thống cảnh báo an toàn cho chiếc xe, nếu sở hữu những loại xe này thì các bạn nên chú ý đến tính năng này để dễ dàng kiểm tra áp suất của lốp xe mỗi khi đi xa. Thông thường, áp suất lốp phổ biến của các dòng xe cỡ trung và cỡ nhỏ là vào khoảng 2,2 - 2,5 Kg/cm2, tùy vào tải trọng và số lượng hành khách trên xe mà bạn có thể lựa chọn mức áp suất phù hợp.

2. Kiểm tra hệ thống chiếu sáng

Hệ thống đèn chiếu sáng trên xe là một bộ phận rất quan trọng, nó đóng vai trò quyết định đến khả năng báo hiệu cũng như mở rộng tầm nhìn khi xe vận hành vào ban đêm hoặc trong điều kiện thời tiết xấu. Chính vì thế, việc kiểm tra thường xuyên hệ thống chiếu sáng và báo hiệu phía trước cũng như phía sau là rất cần thiết, đặc biệt là trước những chuyến đi dài ngày. Nếu có bất kì sự bất thường nào về độ sáng hay đèn bị "đứt bóng" hẳn thì chúng ta nên thay ngay bóng đèn đó mà không phải chần chừ gì hết.
3. Kiểm tra nước làm mát động cơ

Nước làm mát động cơ là một chi tiết khá quan trọng vì nó ảnh hưởng rất nhiều đến sự ổn định của động cơ khi hoạt động liên tục trong một thời gian dài. Nếu không được tản nhiệt một cách hợp lý, động cơ sẽ hoạt động rất "vất vả" và sẽ "xuống" rất nhanh. Do đó, trước những đi xa, chúng ta nên dành chút thời gian để "thăm nước máy". Rất đơn giản, các bạn chỉ cần mở nắp ca-pô lên, tìm đến vị trí của bình chứa nước làm mát và kiểm tra xem mực nước có còn đảm bảo hay không. Mực nước làm mát tốt nhất là nằm giữa 2 vạch Full/Low in trên thân bình. Nếu mực nước nằm ngoài 2 vạch đó hoặc có màu/mùi khác lạ, chúng ta cần phải thay nước làm mát mới ngay.

4. Kiểm tra dầu bôi trơn động cơ (nhớt máy)

Dầu bôi trơn động cơ là nhân tố cốt lõi, có ảnh hưởng trực tiếp đến khả vận hành ổn định, trơn tru và bền bỉ của động cơ. Nếu có bất kì sự cố nào xảy ra với dầu động cơ, chiếc xe sẽ vận hành cực kì khó khăn, tiêu hao nhiều nhiên liệu và thậm chí có thể làm hỏng động cơ. Chính vì thế, việc chú ý thăm nhớt máy thường xuyên là một điều các bạn nên làm.

Để kiểm tra tình trạng của dầu bôi trơn động cơ, các bạn có thể tìm chiếc que thăm nhớt máy (thường đặt cạnh động cơ và có màu vàng). Sau đó, bạn rút mạnh chiếc que này ra, dùng một tấm khăn giấy hay một chiếc giẻ sạch để lau từ trên xuống dưới. Tiếp theo, bạn cắm chiếc que thăm nhớt vào động cơ và rút ra lại. Sau đó, chúng ta nhìn xem mức dầu trong máy có nằm trong khoảng giữa 2 vạch Max và Min hay không. Nếu nó nằm ngoài 2 vạch đó, chúng ta phải xử lý ngay bằng cách châm thêm hoặc rút bớt ra.

Ngoài ra, các bạn nên chú ý đến màu và mùi của dầu bôi trơn động cơ, nếu chúng có màu đen hoặc mùi khét thì có thể động cơ của bạn đang có vấn đề. Trường hợp này, chúng ta nên đưa xe vào xưởng dịch vụ của hãng để kiểm tra một cách cẩn thận và biết được tình trạng chính xác của động cơ. Bên cạnh đó, nếu trường hợp tăng/giảm mức dầu diễn ra thường xuyên, điều này chứng tỏ dầu bôi trơn động cơ đã bị rò rỉ ra bên ngoài hoặc bị chất lỏng khác rò rỉ vào trong do động cơ gặp phải một vấn đề nào đó. Trường hợp này các bạn cũng nên cho xe vào hãng để kiểm tra và có giải pháp khắc phục một cách tốt nhất.

5. Kiểm tra dầu trợ lực lái và dầu phanh

Hệ thống phanh và hệ thống đánh lái là những bộ phận liên quan trực tiếp đến sự điều khiển và can thiệp của tài xế khi chiếc xe đang vận hành. Do đó, 2 bộ phận này là nhân tố rất quan trọng đảm bảo cho khả năng xử lý tình huống và đảm bảo an toàn khi vận hành. Chính vì thế, việc kiểm tra dầu trợ lực lái và dầu phanh một cách kỹ lưỡng trc khi đi xa là một điều rất cần thiết. Rất đơn giản, các bạn có thể tìm đến các bình dầu phanh và dầu trợ lực lái một cách dễ dàng ngay trong khoang động cơ. Sau đó, chúng ta có thể mở nắp ra để kiểm tra cũng như xem mực dầu có nằm ở mức cho phép không. Việc đảm bảo sự tối ưu về dầu phanh và dầu trợ lực lái sẽ khiến cho chuyến đi xa của bạn trở nên "an tâm" hơn rất nhiều.

6. Kiểm tra nước rửa kính và thanh gạt nước mưa

Hệ thống gạt nước mưa trên xe dường như là thứ không nhiều người quan tâm đến, bởi thường thì người ta sẽ nghĩ nó... "chẳng có gì quan trọng". Tuy nhiên, các bạn hãy tưởng tượng... trong chuyến đi nếu xe của chúng ta không may bị vấy bẩn vào kính hay gặp phải một trận mưa tầm tã hoặc sương mù dày đặc mà hệ thống gạt nước trên xe bị trục trặc... Những tình huống đó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tầm nhìn và rộng hơn là ảnh hưởng đến khả năng đảm bảo an toàn khi lưu thông trên đường.

Trước tiên, chúng ta sẽ kiểm tra mức nước rửa kính còn lại trong bình. Thông thường, bình chứa nước rửa kính sẽ nằm ở phía trước, bên trong khoang động cơ, tuy nhiên ở một số loại xe thì nhà sản xuất đặt nó ở phía sau cốp. Các bạn nên dùng nước rửa kính chính hãng hoặc dung dịch tẩy rửa phù hợp để đảm bảo rằng kính lái của chúng ta sẽ được vệ sinh một cách tốt nhất. Tiếp theo, chúng ta kiểm tra hai thanh gạt nước nằm trên kính lái. Bạn nên bật lên thử xem chúng có hoạt động tốt và có bị trục trặc gì hay không. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên vệ sinh sạch sẽ bụi bẩn nằm bên dưới phần lưỡi gạt để đảm bảo khi gạt nước, những hạt bụi này sẽ không làm trầy và gây ảnh hưởng đến độ "sạch" và êm ái khi các thanh gạt hoạt động.

7. Kiểm tra hệ thống ắc quy

Bình ắc quy là một bộ phận rất quan trọng do nó liên quan trực tiếp đến các thiết bị điện và toàn bộ hệ thống điện tử bên trong xe. Nếu ắc quy bị trục trặc hoặc "hết bình" giữa đường thì chiếc xe của bạn sẽ "mất điện" toàn tập và không còn khả năng đề máy cũng như sử dụng các trang thiết bị tiện nghi và hỗ trợ an toàn điện tử được cấp nguồn từ chiếc ắc quy này. Chính vì thế, việc kiểm tra bình ắc quy một cách cẩn thận trước mỗi chuyến đi của bạn là hết sức cần thiết.

Việc đầu tiên chúng ta cần làm là kiểm tra các điện cực nằm ở phía trên nắp bình. Bạn phải đảm bảo chắc chắn rằng tất cả các điện cực đều phải được kết nối một cách hoàn hảo và không có bất kì hiện tượng chập điện cũng như cháy xém, có màu lạ hoặc chất lỏng rò rỉ từ bên trong bình ra ngoài... Tiếp theo, chúng ta sẽ kiểm tra đến mực nước bên trong bình ắc quy. Nhìn xuống phía dưới phần thân bình, bạn sẽ thấy được mực nước bên trong có nằm giữa 2 vạch Upper và Lower Level (Cao/Thấp) hay không. Nếu cảm thấy mực nước xuống thấp quá, bạn nên châm thêm hoặc thay luôn bình ắc quy mới nếu nó đã "đến tuổi". Thông thường thì những bình ắc quy loại phổ biến có tuổi thọ từ 2-3 năm tùy theo nhãn hiệu cũng như chất lượng bình.

Trên đây là những bước kiểm tra tình trạng xe cơ bản mà chúng ta nên thực hiện định kì hoặc trước mỗi chuyến đi dài ngày. Các bạn nên tạo thói quen đó để đảm bảo chiếc xế yêu của mình luôn có được tình trạng hoàn hảo và đảm bảo sự an toàn tuyệt đối trong mỗi chuyến đi. Bây giờ, mời các bạn cùng xem qua đoạn video ngắn minh họa về các bước cơ bản trong quá trình kiểm tra xe mà Tinh Tế đã thực hiện trên một chiếc Toyota Camry đời 2010 - một dòng xe khá phổ biến tại Việt Nam. Để nắm được thông tin một cách chi tiết và cụ thể hơn, anh em nên đọc kỹ phần bài viết phía trên.

(Theo Tinhte.vn)