Trang

Thứ Tư, 11 tháng 3, 2015

Nhật ký tài “non” phần 2: Chuyện giờ mới kể

Ngay cả khi đã đọc hướng dẫn sử dụng, không phải ai mới lái cũng có thể xử lý chính xác khi đang lái xe trên đường.
 Quên hạ phanh tay/phanh dừng là một trong những tình huống phổ biến nhất mà các tài "non" thường mắc phải

Cũng như các đèn chỉ báo trên bảng đồng hồ, các ký hiệu chỉ những hệ thống điều khiển khác nhau trên xe hơi phổ thông được hầu hết các nhà sản xuất quy định chung. Chính vì vậy, cho dù bạn ngồi lên một chiếc xe Mỹ (như Ford, Cadillac, Chevrolet…), một chiếc xe Nhật (Toyota, Honda, Nissan, Suzuki…) hay một chiếc xe Đức (như Audi, BMW, Mercedes-Benz…) thì bạn cũng chỉ mất một vài phút để nhận ra hệ thống điều khiển các chức năng cơ bản của xe được bố trí như thế nào, miễn là thuộc lòng một số ký hiệu chung đó.

Các dòng xe sang có thể phức tạp hơn ở hệ thống điều khiển đa năng trong một, giúp người lái kiểm soát một cách chi tiết và tinh tế hơn các hệ thống tiện ích và tính năng, chẳng hạn như hệ thống đèn chờ vào nhà, hệ thống giảm xóc, các chế độ khác nhau của hệ thống dẫn động…

Có những biểu tượng hay ký hiệu cực kỳ đơn giản và rất dễ nhớ, bởi minh họa hình thù của chi tiết/hệ thống mà nó kiểm soát. Chẳng hạn như lẫy mở nắp bình xăng thường có biểu tượng cây xăng (một số xe có thể bị lược bỏ lẫy này do nắp bình xăng tích hợp trong hệ thống điều khiển tổng của xe và sẽ mở/khóa cùng với cửa xe), tương tự như vậy là các hệ thống điều khiển gió trong/gió ngoài, hệ thống chiếu sáng hay ký hiệu nắp ca-pô,…

Tuy nhiên, một số nhà sản xuất lại thiết kế khác với các nhà sản xuất khác ở một số điểm, chẳng hạn như trên nhiều dòng xe số sàn của Daewoo hay Fiat, để lùi xe, người lái phải móc ngón tay vào một cái lẫy rồi kéo lên thì mới vào được số lùi, trong khi hầu hết các xe khác có cửa số lùi riêng. Cần điều khiển hệ thống gạt mưa của nhiều dòng xe Mercedes-Benz lại ở bên trái, trong khi hầu hết các xe của hãng khác lại ở bên phải.

Nói thì đơn giản, nhưng ngay cả khi đã đọc hướng dẫn sử dụng, không phải ai mới lái cũng có thể xử lý chính xác khi đang lái xe trên đường hoặc trong những lúc vội vã, bởi lúc đó người điều khiển xe còn phải tập trung trên lộ trình hoặc bị cuống. Một số lái xe chia sẻ với Autocar Vietnam rằng khi đi thuê xe hoặc mượn xe của người thân, bạn bè, họ cũng gặp không ít tình huống dở khóc dở cười.

Sau đây là một số tình huống tiêu biểu như thế:

Nắp bình xăng bên nào nhỉ?


Mũi tên nhỏ cho biết nắp bình xăng ở bên trái

Điều này thường xảy ra với những lái xe đi thuê xe tự lái mà chị Kiều Diễm ở đường Nguyễn Văn Linh, Hải Phòng là một ví dụ. Những người đi thuê xe thường tính toán quãng đường mình đi rồi chỉ đổ lượng xăng vừa đủ, nên người thuê sau đó thường phải đổ xăng trước khi lên đường. Cũng có những người mà gia đình mới mua xe nhưng chưa tự đổ xăng bao giờ nên cũng không để ý, hoặc đơn giản là quên.

Vậy làm sao để biết ngay nắp bình xăng bên nào trước khi đi vào cây xăng, tiện cho việc bơm xăng? Hãy để ý đồng hồ báo xăng trên bảng đồng hồ và bạn sẽ thấy một biểu tượng nhỏ hình cây xăng. Trên hầu hết các dòng xe hiện nay, bên cạnh biểu tượng cây xăng đó còn có một mũi tên nhỏ. Mũi tên đó chỉ về phía nào thì nắp bình xăng sẽ ở bên đó.

Trên những dòng xe cũ hơn, đồng hồ báo xăng vẫn có biểu tượng cây xăng, nhưng có thể không có mũi tên. Một số nguồn tin cho rằng khi đó người lái nhìn vào vị trí vòi bơm xăng trên biểu tượng để biết nắp bình xăng bố trí bên nào, nhưng đó chỉ là suy đoán và nhiều trường hợp trùng khớp.

Vào cây xăng, lại mở cốp


Lẫy mở nắp bình xăng và lẫy mở nắp khoang hành lý của chiếc xe này nằm ngay cạnh nhau, trong lúc luống cuống dễ bị kéo nhầm

Chị Thu Hà ở khu đô thị mới Linh Đàm lái chiếc Kia Forte đời 2011 vào cây xăng, mở cửa rồi mở luôn cả nắp khoang hành lý. Lý do là lẫy mở nắp bình xăng và lẫy mở nắp khoang hành lý của chiếc xe này nằm ngay cạnh nhau, nên trong lúc luống cuống chị đã kéo nhầm. Một số dòng xe còn tích hợp hai chức năng này trên cùng một cái lẫy với chữ Pull (kéo) để cho một chức năng và chữ Push (đẩy) để cho chức năng còn lại, khiến nhiều lái xe nhầm lẫn liên tục là chuyện bình thường.

Không biết chuyển pha/cốt


Nhiều người chỉ biết bật đèn, chứ không để ý hai mũi tên và sử dụng thành thạo cần điều khiển này

Chuyện thật như đùa của thành viên Escape_2013 từ diễn đàn Otofun trên suốt đoạn đường đồi núi dài khoảng 15km thuộc địa phận thị trấn nông trường Mộc Châu, tỉnh Sơn La, trên một chiếc xe thuê. Anh đã bật được công tắc đèn nhưng không hiểu sao đèn rất tối và ánh sáng chỉ quét đoạn ngắn cách mũi xe chừng 30 mét. Anh đã phải chạy rất chậm, có lúc bám đuôi một chiếc xe khác, nhưng cũng bị cắt đuôi rất nhanh do anh không theo kịp.

Thật may, trong khi dừng chân ở quán nước ven đường, anh đã gặp một tài “già” và người này đã chỉ cho anh một số thao tác quan trọng. Sau đó, anh cảm thấy tự tin hơn hẳn, thích thú khi chuyển đèn chiếu xa/gần liên tục.

Lốp dự phòng lấy ra thế nào?


Lốp dự phòng trên một số xe rất khó lấy ra

Đó là trường hợp của anh Chấn Hiệp ở phố Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội khi đang đi trên đường với chiếc Toyota Innova thuê. Phải loay hoay mất gần 10 phút anh mới có thể lấy được chiếc lốp dự phòng để thay vào một quả lốp sau bên phụ bị dính đinh và hết hơi.

Lốp dự phòng trên nhiều dòng xe được đặt ngay trong khoang hành lý, chỉ việc nhấc tấm mặt sàn ra là có thể nhìn thấy. Nhưng trên nhiều mẫu xe, lốp dự phòng lại được để dưới gầm mà mỗi hãng lại có cách thiết kế khác nhau để giữ chắc bộ phận này. Nếu là xe của bạn, hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, còn nếu là xe đi thuê, tốt nhất là hãy hỏi người cho thuê xe nếu bạn chưa rõ thông tin này.

Làm sao để thay lốp?


Khi mới tậu một chiếc xe bốn bánh, hãy tập thao tác thay lốp dự phòng cho dù lốp xe không bị hết hơi

Anh Minh Trí, ở phố Hoàng Mai, Hà Nội chuẩn bị khởi hành buổi sáng thì phát hiện một lốp sau của chiếc Kia Carens bị hết hơi. Anh bèn lấy kích nâng bánh xe lên, rồi lấy cờ-lê tháo bánh, nhưng bánh xe cứ quay mà bu-lông thì không thể ra được. Một người đi đường đã chỉ cho anh rằng để tháo lốp thì phải dừng xe chỗ bằng phẳng, chuyển cần số về P, nới lỏng các bu-lông rồi mới kích bánh lên và tháo hẳn ra. Lắp lốp dự phòng vào thì làm ngược lại.

Thay lốp dự phòng là công việc cực kỳ quan trọng đối với mỗi lái xe. Lời khuyên là ngay cả khi xe không bị thủng lốp, mỗi tài “non” hãy thực tập công việc này khi tậu một chiếc xe mới.

Bật điều hòa rồi mà nóng quá


Công tắc bật A/C có thể tích hợp hoặc tách rời với công tắc điều chỉnh quạt gió

Anh Đình Vũ ở phố Nguyễn Sơn, Hà Nội mượn một chiếc xe Ford Escape của người thân để đưa gia đình về quê tận Nam Định. Dưới trời nắng nóng của mùa hè, cả nhà anh đổ mồ hôi mặc dù hệ thống điều hòa vẫn chạy vù vù.

Không thể chịu nổi, anh liền gọi điện cho chủ xe để hỏi xem hệ thống điều hòa của xe có bị hỏng hay không. Sau một hồi chủ xe giải thích, anh Vũ mới nhận ra rằng mình mới chỉ bật quạt gió, mà chưa bật A/C, bởi hai chức năng này tích hợp trên cùng một công tắc, xoay và nhấn một cái. Anh làm theo, đèn LED ở giữa công tắc bật sáng, lúc bấy giờ cả nhà mới vỡ òa khi đón những làn gió mát lạnh từ hệ thống điều hòa.

Ôi, mùi rác thải kinh quá!


Lái xe cần chuyển sang chế độ lấy gió trong khi đi qua vùng ô nhiễm

Khi đi qua các khu vực môi trường bị ô nhiễm, chẳng hạn như công trường hay khu vực bãi rác, kênh rạch bị ô nhiễm, hệ thống lọc gió điều hòa của các dòng xe phổ thông thường không thể lọc sạch không khí, khiến không khí ô nhiễm có thể lọt vào khoang xe. Trong khi đó, khi khởi động xe, hệ thống điều hòa thường chuyển về chế độ mặc định lấy gió ngoài (với các dòng xe có công tắc điều khiển điện).

Nhưng do mải tập trung hoặc quá căng thẳng mà nhiều lái xe có thể không chuyển sang chế độ lấy gió trong khi đi qua vùng ô nhiễm. Có lái xe còn chia sẻ rằng lúc vội vã họ chẳng biết chức năng ấy nằm ở đâu.

Xe có nước rửa kính không nhỉ?


Chức năng phun nước rửa kính thường được tích hợp ngay trong hệ thống điều khiển cần gạt mưa

Rất nhiều lái xe không để ý chức năng này cho đến một ngày kính xe bị bám bẩn mà trời không mưa. Kính thì khô, bật gạt mưa lên rồi, nhưng vết bẩn vẫn bám đầy vì đơn giản là không có nước.

Chức năng phun nước rửa kính thường được tích hợp ngay trong hệ thống điều khiển cần gạt mưa, nhưng có xe thì người lái phải kéo mạnh cần điều khiển về phía lòng mình, trong khi nhiều xe khác thì lại đẩy cần này 2 nấc sâu vào phía trong trụ lái.

Quên hạ phanh tay/phanh dừng

Đây cũng là một trong những tình huống phổ biến nhất mà các tài “non” thường mắc phải. Với những người đã lái xe lâu năm và quen xe, họ có thể cảm nhận được ngay từ việc xe tăng tốc ì hơn, hoặc xe không thể chuyển bánh ở chế độ ga-răng-ti (với xe số tự động và đã cài số D). Một số xe sang thế hệ mới (như Mercedes-Benz) thì có đèn cùng âm thanh cảnh báo khi lái xe quên nhả phanh dừng.

Không biết vào số lùi thế nào


Trên nhiều dòng xe của Daewoo, cần điều khiển hộp số sàn thường có thiết kế khác biệt với các xe khác ở cách vào số lùi

Một thành viên diễn đàn Otofun đi thử chiếc Lacetti của một người bạn. Lúc muốn lùi xe thì không sao nào lùi được, nhìn rõ ràng chữ R mà vào số kiểu gì cũng không được, toàn vào số 1. Loay hoay mãi không được, anh phải gọi điện hỏi chủ xe, hóa ra trên cần số nó có cái chốt, phải kéo cái chốt ấy lên thì mới vào được số lùi. Xe Lanos hay Gentra của hãng này cũng có thiết kế cần số tương tự. Một số thành viên khác của diễn đàn này cũng gặp hoàn cảnh tương tự khi thuê hoặc đi nhờ các dòng xe của Daewoo.

Hơi nước bám đầy lên kính lái, khó nhìn quá!


Nhiều lái xe không nghĩ đến chức năng sấy kính và không hề biết sử dụng khi gặp tình huống

Khi lái xe ở những vùng lạnh có độ ẩm cao, nhiệt độ trong và ngoài xe chênh lệch quá lớn sẽ làm cho hơi nước bám phía bên trong kính lái. Nhiều lái xe đã chia sẻ sự lúng túng khi gặp trường hợp này khi đi du ngoạn ở vùng đồi núi.

Chức năng sấy kính sẽ phát huy tác dụng trong tình huống kể trên. Trên một số xe (như Kia Forte, Hyundai Elantra), chức năng sấy kính trước (Front) và sau (Rear) được ký hiệu và ghi rõ ràng, nhưng nhiều dòng xe thì chỉ có biểu tượng chứ không chú thích thêm chữ (tiếng Anh). Hãy nhớ rằng biểu tượng kính trước có hình dải quạt, trong khi kính sau có biểu tượng hình chữ nhật.

Làm sao bật cần gạt mưa phía sau?


Gạt nước kinh trước và kính sau (nếu có) có thể dễ dàng sử dụng nếu người lái để ý biểu tượng kính trước (hình dải quạt) và kính sau (hình chữ nhật)

Cũng giống như bộ điều khiển chức năng sấy kính, cần điều khiển gạt mưa cũng có ký hiệu kính trước và kính sau (nếu có, trên các dòng xe có trang bị cả hệ thống lưỡi gạt nước kính sau). Hãy tìm vị trí có vẽ biểu tượng kính sau (hình chữ nhật) và theo hướng mũi tên chỉ dẫn để kích hoạt hệ thống này.

Thế nhưng, không phải ai cũng nắm được điều đó khi bước lên một chiếc xe. Anh Tuấn Anh ở phố Trần Bình, Hà Nội đã mất rất nhiều thời gian, thậm chí phải dừng xe mới lần ra cách bật cần gạt kính sau của chiếc Ford Escape trong hành trình về Phú Thọ một ngày mưa dầm.

Quên bật đèn/tắt đèn chiếu sáng


Dây câu bình sẽ phát huy công năng khi ắc-quy bị hết điện dọc đường

Anh Thành ở Lương Thế Vinh, Hà Nội vừa tậu một chiếc xe Toyota Corolla hôm trước thì hôm sau ắc quy hết sạch điện. Anh gọi điện cho một người bạn gần đó đến “cấp cứu” thì phát hiện ra rằng anh đã quên tắt công tắc đèn định vị khi đỗ xe qua đêm ở bãi gửi xe. Thực tế là ngay cả những người lái xe lâu năm cũng có thể rơi vào hoàn cảnh này, có thể do máy phát gặp vấn đề hoặc ắc quy bị hỏng. Lời khuyên là hãy tự trang bị cho mình một bộ dây câu bình ắc quy (với giá chỉ khoảng 300.000VND) để phòng khi cần thiết.

Bài & Ảnh: Autocar Vietnam Team

0 nhận xét:

Đăng nhận xét