Trang

Thứ Tư, 11 tháng 3, 2015

Nhật ký tài non: Xử lý thành thạo

Lái xe cũng như rất nhiều công việc đòi hỏi kỹ năng khác, cần có thời gian để người trong cuộc trau dồi kinh nghiệm.

Không ai có thể dám khẳng định rằng ngay khi vừa học khóa ngắn hạn xong và lấy được bằng lái là đã trở thành một tài già. Kinh nghiệm cần tích lũy dần dần sau quá trình ngồi sau vô-lăng. Quá trình này lâu hay chóng tùy thuộc vào từng người, nên có người mới lái nhưng đã rất “cứng” và bạo dạn, trong khi một số người có bằng lái nhiều năm rồi mà vẫn không dám ra đường.


Chính vì cần có thời gian, nên nhiều người mới lái thường mắc phải những tình huống khiến họ bị lộ khả năng. Nhiều người thậm chí còn nói rằng: cứ quan sát cách lùi xe là có thể biết lái xe đó “non” hay “già”. Vậy một người lái non thường có những thao tác xử lý ra sao?

Hãy nghĩ lại cái thời mà bạn mới ngồi vào ghế sau vô-lăng:

Mình đang cản đường người khác

Khi chưa có bằng lái và đang tập lái, luật quy định xe của bạn phải có biển “Tập lái”, phải được trang bị phanh phụ và có thầy hướng dẫn đủ nghiệp vụ ngồi ghế phụ. Khi bạn đã có bằng lái xe, luật pháp Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới không quy định bạn phải có biển hiệu gì gắn trên xe, cho dù mới lấy bằng.

Tuy nhiên, nhiều lái mới vẫn còn lóng ngóng và hồi hộp khi tham gia giao thông. Và họ muốn thông báo với các lái xe đi xung quanh biết điều đó, để thông cảm cho những thao tác/cách xử lý chưa thuần thục của họ, chẳng hạn như đi chậm hơn bình thường, chuyển làn hay đổi hướng cũng phải rất từ từ,… Chính vì vậy, lái mới ở nhiều nước trên thế giới gắn thêm một tấm biển “New Driver” vào sau xe.

Ở Việt Nam, bạn có thể bắt gặp tình huống một lái xe “bò” chậm chạp trên đường cao tốc với nét mặt căng thẳng, khiến các xe phía sau xi-nhan hoặc bấm còi inh ỏi để xin vượt. Rất nhiều lái xe chia sẻ sự ức chế và bức xúc khi không được nhường đường.
Lời khuyên cho các tài “non” là đừng ngần ngại gắn biển “Lái mới” lên kính hậu và tâm lý thoải mái không chỉ đến với bạn mà còn đến với tất cả những lái xe khác đang đi xung quanh bạn.

Lùi ngoằn ngoèo

Anh Trung ở Hải Hương không bao giờ quên kỷ niệm khi mới lái xe, đó là lần về quê trên chiếc C200 mà anh mượn của một người bạn. Lùi xe trong một cái ngõ khá rộng, tới hơn 3 mét, nhưng suýt cho bánh sau xuống rãnh nước, lại phải tiến lên, rồi thò cổ nhòm ra phía sau, rồi lại lùi, lại tiến, lại lùi, mãi mới ra đến đường lớn chỉ cách nhà khoảng 40 mét.

Bí quyết để lùi chuẩn là hãy lấy một vật hay điểm gì đó ở một khoảng cách đủ xa (tùy theo tốc độ mà bạn có thể kiểm soát) trên đường để căn bánh sau khi lùi xe, chẳng hạn như vạch kẻ đường, lề đường, một cây bụi hay bất kể thứ gì. Nếu trên đường có những vật cản như một chiếc xe máy đang đỗ hay một hòn đá thì lấy luôn chướng ngại vật đó để căn khoảng cách bánh xe. Tuy nhiên, đừng quên chú ý quan sát hai bên phía trước trong quá trình lùi, nếu không bạn có thể bị quệt gương hoặc va chạm tai xe với các chướng ngại vật.


Một trong những nguyên tắc để lùi chính xác trên đường ngoằn ngoèo là căn "bụng"

Nếu phải lùi xe trên đường quanh co, bạn cũng có thể tự tin nếu căn bánh sau qua vạch kẻ tim đường kết hợp với lề đường, miễn là tuân thủ nguyên tắc căn bụng. Giả sử đuôi xe cần ngoặt về phía tay phải theo chiều ngồi lái của bạn thì phải căn theo lề đường, nhưng nếu đuôi xe cần ngoặt về phía tay trái theo chiều ngồi lái của bạn thì lại phải căn theo tim đường.

Sao các xe ngược chiều cứ lấn đường mình?!

Nhiều lái mới thường có xu hướng đi sát về phía bên phải làn đường do sợ va chạm với xe đối diện. Chính vì vậy, họ vô tình để một khoảng trống lớn phía bên trái, tạo cơ hội cho các xe đi ngược chiều tranh thủ lấn chiếm, đặc biệt là các lái xe ẩu.
Kinh nghiệm là hãy đi giữa làn đường/phần đường của mình và chú ý quan sát những chiếc xe đi ngược chiều.

Đỗ xe xiên xẹo


Nguyên tắc đỗ xe song song là phải lùi đuôi xe vào trước, sau đó chỉnh đầu

Đó là trường hợp của chị H. ở chung cư VOV, Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội. Loay hoay mất mấy phút mà chị không thể cho chiếc xe của mình đỗ ngay ngắn mặc dù khu vực đỗ xe (giữa xe phía trước và xe phía sau) dài gấp đôi thân xe.

Người đẹp này đã quên hoặc không biết một nguyên tắc rằng để đỗ xe song song trong không gian hẹp thì phải lùi đuôi xe vào trước rồi mới chỉnh đầu xe cho chuẩn. Chị cứ tiến mũi xe vào trước, rồi lùi tiến lùi tiến trong cái không gia nhỏ hẹp ấy. Cuối cùng, chị đành mặc kệ cho chiếc xe đỗ xiên xẹo, tạo sự độc đáo vậy.

Hai cái cọc quá gần nhau

Anh Việt Anh ở Hà Nam lái chiếc Ford Escape về quê chơi. Để cấm các xe tải cỡ lớn làm hỏng con đường dân sinh, người ta dựng hai chiếc cọc bê-tông cách nhau khoảng 2 mét, chỉ đủ lọt những chiếc xe con. Trong giây lát, anh không thể hình dùng chiếc SUV của mình có lọt qua được hai cái cọc hay không, bèn ra khỏi xe, nhìn bên trái, rồi lại quan sát bên phải, rồi mới vào xe, thò cổ ra ngoài nhìn, rồi từ từ tiến lên từng cen-ti-mét. Ngay sau khi anh đi qua, một chiếc Everest vèo qua hai chiếc cọc như không có chướng ngại gì.

Thận trọng là điều cực kỳ cần thiết trong những tình huống tương tự, chẳng hạn như khi đi qua chợ, vào trong ngõ nhỏ… Một số tài già chia sẻ kinh nghiệm rằng trong những không gian cực hạn hẹp thế này thì lái xe hãy quan sát và đánh giá bên phải, nhưng lại căn trái.

Xe vào cua lắc quá!


Khi ôm cua, nếu điều kiện cho phép thì hãy mở cua tối đa để xe không bị lắc

Chị Khánh Hòa ở phố Cát Linh, Hà Nội, cùng bạn bè của mình đi du lịch trên chiếc Ford Fiesta. Đến điểm vui chơi, ai nấy mặt mày xanh lét, có người nôn thốc. Một người bạn của chị càu nhàu: “Bà lái xe kiểu gì mà lắc quá! Hôm trước đi với cơ quan cũng trên con đường này, tôi thấy rất êm ái và khỏe lắm mà”.

Ôm cua trên đường đồi núi là một trong những kỹ năng quan trọng hàng đầu để đánh giá kinh nghiệm của một người lái xe. Những người mới lái thường có xu hướng bo sát tim đường và trả lái muộn, sau đó bất ngờ giật ngược vô-lăng. Thao tác này khiến chiếc xe chao đảo, bị lắc mạnh. Hành khách ngồi trong xe cho dù có thần kinh thép cũng phải căng thẳng.

Vỉa hè thấp thế mà không lên được


Tỳ bánh vào vỉa rồi tăng ga sẽ làm cho xe không có đà, khó vượt chướng ngại, tiêu tốn nhiên liệu

Hồi mới tậu 4 bánh, chị Thu Hà ở Linh Đàm, Hà Nội luôn căng thẳng mỗi lần cho xe vào nhà. Lý do là vỉa hè trước cửa nhà chị khá cao, chị phải đạp ga ầm ĩ, rồi bánh xe “chiến thắng” cái vỉa, chồm lên. Đã có lần, chị suýt đâm đổ tường nhà. Một hôm, người hàng xóm thấy vậy bảo chị không nên tỳ bánh sát lề rồi mới đạp ga, mà lùi lại khoảng 0,8 - 1m, rồi từ từ tăng ga, chiếc xe tiến lên, nhẹ nhàng lên vỉa rồi vào nhà mà như có ma lực hỗ trợ.

Quả thực, đó là bài học giản đơn nhưng không phải ai mới lái cũng để ý. Lợi dụng đà để tăng lực tác động là bài toán lợi hại được ứng dụng trong rất nhiều công việc hay hoạt động khác, như bổ củi, nhảy cao, nhảy xa,… Đà cũng là yếu tố quan trọng số một để bạn lái xe vượt qua những địa hình khó khăn như cát hay bùn lầy.

Hú hồn, đạp nhầm chân ga

Trong một lần đi dạo phố sau khi mới mua xe, thành viên Bocanhcung của diễn đàn Otofun bống thấy chiếc xe chồm lên khi chuẩn bị dừng đèn đỏ tại giao lộ Tôn Đức Thắng – Nguyễn Thái Học. Rất may là trong nháy mắt anh đạp trúng chân phanh và chiếc xe dừng lại cách đuôi xe trước chỉ khoảng một gang tay.

Đây không phải là trường hợp hiếm gặp trong số những người mới lái xe. Rất nhiều thành viên của diễn đàn trên cũng chia sẻ họ đã ít nhất một lần đạp nhầm chân ga khi mới lái xe. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, nguyên nhân chủ yếu là do mất tập trung hoặc tình huống xảy ra quá bất ngờ khiến họ giật mình.

Cái dốc đáng ghét


Để kiểm soát chiếc xe thành thạo khi đề pa, người lái không chỉ phải có kỹ năng, mà còn phải quen xe

Cứ mỗi buổi sáng đi làm qua dốc Bưởi, Hà Nội, anh Minh Quỳnh ở Cầu Giấy lại cảm thấy cực kỳ căng thẳng hồi mới mua xe. Con dốc này không chỉ có độ dốc cao, mà còn bị tắc vào giờ cao điểm. Có lần anh đã toát mồ hôi bởi phải dừng ngang dốc, cứ định nhả côn để tiến lên thì bị chết máy rồi xe bị lùi một tí. Rất may là sau vài lần như vậy, đuôi xe anh đã sát mũi xe phía sau nhưng phía trước thì các xe đã bỏ xa nên anh tự tin ga lớn hơn những lần trước rồi mới nhả côn để chiếc xe tiến lên.

Rút kinh nghiệm, anh đã dành hẳn một ngày chủ nhật để lang thang về Sơn Tây, chọn một đoạn đường đồi dốc vắng vẻ rồi luyện đề pa. Sau đó, anh cảm thấy tự tin hơn hẳn bởi đã quen chân côn và chân ga của chiếc xe mới.

Tư duy thành thạo

Khi mới ngồi vào ghế lái của một chiếc ôtô, nhiều lái xe vẫn còn chưa quen với việc này và vẫn nghĩ rằng mình đang lái một chiếc xe hai bánh. Chính vì vậy, họ có xu hướng phản ứng trong một số tình huống rất nực cười.

Cụng đầu vào barrier mất: Khi lái xe vào ngõ ở phố Phương Liệt (Hà Nội) có barrier chắn phía trên (mục đích là để ngăn xe tải), anh Tiến Giáp cúi sát đầu xuống vô-lăng vì sợ barrier cụng vào đầu.

Nước mưa rơi trúng đầu: Một lần lái xe trên phố Bùi Xương Trạch, Thanh Xuân, Hà Nội, chị Bảo Ngọc giật mình lấy tay che đầu khi đi qua một vòi nước chảy rất mạnh từ tầng thượng của một nhà dân lúc trời mưa to.
Nước mưa bắn đầy mặt: Mặc dù các cửa kính xe đều đóng kín, nhưng một lần lái xe dưới trời mưa to, chị Như Ngà ở Thái Thịnh, Hà Nội cũng bị giật mình và lấy tay che mặt khi bị một xe đi ngược chiều lao nhanh làm bắn nước lên cửa sổ.

















Bài & Ảnh: Autocar Vietnam Team

0 nhận xét:

Đăng nhận xét